Giới thiệu

 

CÂU CHUYỆN NGHỀ LƯỢC SỪNG THỤY ỨNG 

 

Theo Niên biểu lịch sử Việt Nam 2000 năm, nghề làm lược sừng Thụy Ứng có từ thời Vua Lê Trung Tông, hiệu Thuận Bình, thời kỳ nam bắc chiểu (1549 – 1556). Có hai anh em là cháu Tiến sĩ Trần Đắc, người làng Thụy Ứng. Không rõ người anh hay người em đã dạy cho dân nghề làm lược. Mặc dù không rõ tên tuổi ông tổ dạy nghề, nhưng dân làng đã làm bức ảnh chân dung ông tổ nghề bằng khảm trai ốc, lồng trong giá gương để thờ tại đền thờ tổ nghề lược sừng Thụy Ứng. Từ những chiếc sừng thô cứng nhưng qua bàn tay khéo léo cùng với óc sáng tạo trí tưởng tượng phong phú, những người thợ Thụy Ứng đã cho ra đời hàng loạt những sản phẩm tinh xảo được khắp nơi ưa chuộng. Làng nghề lược sừng thuỵ ứng được công nhận là làng nghề chuyền thống Hà Tây năm 2003. Đến năm 2008, đền thờ tổ nghề lược sừng Thụy Ứng đã được cấp bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh thành phố.

Ông Nguyễn Văn Sử ở Thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội vốn theo cha học nghề từ bé, tới nay đã ngoài tuổi 60 nhưng với lòng đam mê yêu nghề gia đình ông vẫn duy trì hoạt động sản xuất đến mãi ngày hôm nay.

Đến với cơ sở hộ kinh doanh Nguyễn Văn Sử chúng ta sẽ thấy, để tạo ra được những sản phẩm từ sừng trông rất mộc mạc, đơn giản kia phải trải qua tới gần ba mươi công đoạn từ khi mua sừng về cắt thành ống, hơ ép, réo thành khuôn,… rồi mới cắt răng, chà lát, đánh bóng. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người thợ phải thật khéo léo, tinh mắt vì chỉ cần sơ ý một chút là toàn bộ công sức trước đó sẽ “đổ sông đổ bể”. Tất cả các công đoạn đều được chính bạn tay thợ làng nghề làm thủ công. Sừng trâu mua về phải được rút lõi cứng ra, sau đó hơ lửa hoặc luộc sừng trong dầu để làm mềm. Tiếp theo, người thợ dùng máy ép thủy lực để ép sừng cho bẹp, rồi cắt thành những mảnh nhỏ gọi là phôi. Từ phôi, người thợ sẽ chế tác thành các sản phẩm. Các sản phẩm thô này sau đó được đánh bóng cuối cùng là chạm khắc những họa tiết để góp phần tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm hoàn chỉnh.

Mặc cho thời gian cứ trôi, nghề điêu khắc sừng ở làng nghề Thụy Ứng vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi thế hệ đều có tính kế thừa và sáng tạo để các sản phẩm của làng nghề vừa lưu giữ được nét truyền thống vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Văn Sử với nhiều đóng góp cho làng nghề truyền thống đã nhận được nhiều giấy khen bằng khen từ các tổ chức, các cấp chính quyền năm 2019 ông được chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Vinh dự nhận bằng khen do chủ tịch hội nghệ nhân, thợ giỏi thành phố Hà Nội trao tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn, phát triển làng nghề thủ công truyền thống thành phố Hà Nội năm 2019. Hiệp hội du lịch thành phố Hà Nội trao tặng giấy khen Ông Nguyễn Văn Sử – chi hội trưởng chi hội làng nghề đã có thành tích đóng góp tích cực trong các hoạt động của Hiệp hội du lịch thành phố Hà Nội năm 2018, và rất nhiều thành tích khác được ghi nhận.